Tìm việc làm

4 điều bạn phải nhớ nếu xin việc trái ngành!

Trong thời buổi môi trường nghề nghiệp cạnh tranh như hiện nay, để kiếm được công việc đúng chuyên ngành không phải dễ dàng gì. Vì vậy thử sức mình ở một lĩnh vực khác ngoài chuyên môn là điều không thể tránh khỏi và đôi khi nó cũng là một lựa chọn tối ưu cho người tìm việc.

Tuy nhiên để tìm việc làm thành công và gắn bó lâu dài với công việc thì bạn cần phải nhớ một số điều khá quan trọng sau đây:

1. Đừng kỳ vọng quá cao và để cái tôi lấn áp thành công
 


 

Khi bạn xin việc làm trái ngành, đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận thử thách trong một lĩnh vực hoàn toàn mới. Và trong lĩnh vực này bạn sẽ chẳng là gì so với những người lão làng. Do đó, để phát triển và trau dồi được nhiều kiến thức, hãy gạt bỏ kiêu hãnh sang một bên. Hãy dám chấp nhận những công việc có chức vụ thấp, kiên trì theo đuổi nó một cách đúng đắn. Cho tới một thời điểm nào đó bạn sẽ nhận ra được rất nhiều giá trị đấy.

2. Hãy tập trung vào các kỹ năng sẵn có của bản thân
 

Đứng trước một công việc không phải là chuyên môn của bạn, đừng vội vàng kết luận bạn không có bất kỳ kỹ năng nào phù hợp với nó. Hãy tĩnh tâm nhớ lại toàn bộ những kỹ năng, kinh nghiệm vốn có của bản thân để tập trung viết CV cho các nhà tuyển dụng. Có một bí quyết là nếu bạn thực sự muốn làm công việc này thì hãy viết CV dựa trên mô tả về công việc mà nhà tuyển dụng đã đưa ra sau đó nhanh chóng tìm hiểu thêm những thông tin mà bạn còn thiếu và rồi học cách tự tin để phỏng vấn thôi. Lưu ý, đừng chém gió quá đà ngoài khả năng, nếu không bạn sẽ bị thất bại đấy vì nhà tuyển dụng họ thừa thông minh để hiểu những điều bạn đang viết và nói có phù hợp và đúng sự thật hay không.

3. Hãy sửa CV thật kỹ trước khi gửi cho nhà tuyển dụng

 

Có thể bạn luôn có một bản CV được soạn sẵn, tuy nhiên đừng vội vàng gửi nó đi mà hãy đọc xem công việc mà bạn muốn ứng tuyển là gì? đọc kỹ những yêu cầu về công việc sau đó hãy biến tấu CV của mình sao cho phù hợp. Bạn có thể tham khảo mẫu CV sẵn có cho công việc mà bạn ứng tuyển trên một vài website tuyển dụng uy tín hoặc có thể tham khảo thông tin từ bạn bè, người thân hoặc một số người đã từng trải qua các vị trí tương tự để sửa CV sao cho hoàn hảo nhất.

4. Sẵn sàng săn việc

Sẵn sàng săn việc được bắt đầu khi bạn viết một lá thư xin việc hoàn chỉnh gửi tới nhà tuyển dụng. Hãy thể hiện trong thư các nội dung làm sao để kích thích và thu hút nhà tuyển dụng xem CV của bạn. Nếu chưa biết cách tạo một thư xin việc ấn tượng bạn có thể tham khảo bài viết: Khi viết đơn xin việc bạn nhất định phải nhớ 5 điều sau nhé.

Tiếp sau phần gửi thư xin việc chính là việc sẵn sàng chuẩn bị cho vòng phỏng vấn. Hãy nhanh chóng bổ sung những kiến thức mà bạn còn cảm thấy thiếu và yếu để có thể tự tin ứng xử trước những tình huống mà các nhà tuyển dụng đưa ra. Tuy nhiên, trong quá trình trao đổi, hãy thẳng thắn và chủ động để cuộc phỏng vấn luôn rơi vào đúng thế mạnh và kinh nghiệm mà bạn đã có trong quá khứ. Khi cần thiết, hãy đưa ra càng nhiều ví dụ cụ thể càng tốt. Nhà tuyển dụng thích sự chủ động, nhanh nhẹn và hơn cả là những minh chứng cụ thể về việc bạn có thể làm được những gì, có thể đáp ứng được tới đâu yêu cầu mà họ đưa ra.

 

Trong xã hội, còn khá nhiều định kiến cổ hủ về việc chọn nghề nghiệp trái với chuyên ngành. Và bạn đừng vì thế mà thu hẹp bản thân, thu hẹp cơ hội của chính mình. Bạn thấy đấy, trong xã hội đã hiện hữu khá nhiều tấm gương làm việc trái ngành nghề: ví như doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch kiêm Tổng Giám Đốc của thương hiệu cà phê nổi tiếng Trung Nguyên. Trước đây ông cũng từng là một sinh viên y khoa nhưng bằng niềm đam mê, sự nỗ lực đã tạo nên cà phê Trung Nguyên nổi tiếng như ngày nay.

Đó chỉ là một trong số vô vàn những tấm gương tiêu biểu cho việc lựa chọn công việc trái ngành nghề và đã thành công. Vì thế đừng sợ các bạn nhé, chỉ cần tự tin, nỗ lực và kiên trì học hỏi nhất định bạn sẽ thành công cho dù có là công việc đúng hoặc sai chuyên ngành học tập.

Vncareer chúc các bạn tìm việc làm nhanh chóng và đúng như mong muốn!

Huyền Trang – Vncareer.com.vn