Tin tức

Email xin việc gồm những nội dung nào?

Gửi hồ sơ Online đang trở thành xu hướng được nhiều nhà tuyển dụng lựa chọn do đặc điểm nhanh gọn. Tuy nhiên, các bạn ứng viên lại chưa thấy được tầm quan trọng của điều này. Đặc biệt là các bạn sinh viên mới và chuẩn bị tốt nghiệp.

Do đặc thù là wesbsite tuyển dụng tìm việc làm nên chẳng lạ gì khi hàng ngày Vncareer nhận được rất nhiều CV của ứng viên. Tuy nhiên, trong đa phần các hồ sơ online mà chúng tôi nhận được thì có tới trên 84% các bạn gửi mail không có nội dung, không có tiêu đề mail hay tiêu đề mail chưa chính xác. Đây là một thực trạng rất đáng báo động.

Mấy ngày nay, trên mạng xã hội tại một group về tuyển dụng vấn đề viết email xin việc đang được bàn tán khá sôi nổi. Và trong số các comment tranh luận trái chiều giữa ứng viên và nhà tuyển dụng đã có nhiều bạn thắc mắc về cách viết email xin việc thu hút? Nội dung email xin việc gồm những thông tin nào?
 

 

Vậy không để các bạn đợi lâu, mình xin chia sẻ kinh nghiệm viết email xin việc mà mình đã đúc kết và tích lũy được sau quá trình tìm việc như sau:

1. Tiêu đề email.

Như bạn biết đấy, đối với các công ty có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhân sự ví dụ các tập đoàn FPT hay Viettel có thể tuyển cùng lúc nhiều vị trí. Do đó đừng bao giờ gửi mail xin việc mà có tiêu đề ngắn gọn: ” CV xin việc”, “Mình, em gửi anh chị (bạn ) CV xin việc”. Mình nói luôn đến nhà tuyển dụng dễ tính nhất cũng sẽ cảm thấy chán ngay cái mail của bạn chứ đứng nói những người khó tính. Không cần bàn đến tính chuyên nghiệp chỉ cần bàn về sự thuận tiện của nó cho nhà tuyển dụng. Nếu bạn thực sự gửi một mail xin việc với tiêu đề như vậy, nhà tuyển dụng sẽ chẳng biết bạn ứng tuyển vị trí nào mà phân loại hồ sơ để gọi bạn đi phỏng vấn nhanh được.

Trong trường hợp này mình khuyên bạn: Nên đặt tiêu đề thật rõ ràng, thể hiện rõ thông tin vị trí mà bạn muốn ứng tuyển. Bạn có thể tham khảo: CV ứng tuyển vị trí chuyên viên tuyển dụng công ty Cổ Phần Nguồn Nhân Lực Worklink.

2. Nội dung email:

– (Dear, Kính gửi, Chào) + …..

Phần này là phần tuyệt đối không được thiếu vì đây chính là phép lịch sự tối thiểu thể hiện thái độ của bạn đối với nhà tuyển dụng, với công việc bạn đang ứng tuyển. Đối với phần mở đầu này, tùy theo bạn có biết thông tin gì về nhà tuyển dụng hay không? Nếu biết tên nhà tuyển dụng bạn có thể ghi tên họ ra hoặc nếu không thì để dạng chung chung là Ban tuyển dụng or phòng tuyển dụng + công ty mà bạn muốn ứng tuyển. Thường để cho trang trọng mình hay viết: Kính gửi + ….

– Tiếp theo hãy giới thiệu ngắn gọn về bạn và cách bạn nhận được thông tin tuyển dụng kèm lý do tại sao bạn ứng tuyển. Bạn có thể tham khảo cách viết sau:

Em tên là Nguyễn Hồng Nhung. Thông qua website Vncareer.com.vn em được biết Quý công ty đang có nhu cầu tuyển vị trí Chuyên viên tuyển dụng. Với mong muốn được thử sức mình trong môi trường chuyên nghiệp và năng động tại Quý công ty. Cộng với kinh nghiệm và kỹ năng làm việc trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự em tự tin có thể đảm nhận tốt các công việc của vị trí này.

– Bước tiếp hãy trình bày vắn tắt các kinh nghiệm mà bạn có. Hãy cố gắng điều tiết các thông tin làm sao để có thể kích thích nhà tuyển dụng xem CV của bạn, muốn khám phá về bạn. Có thể tham khảo ví dụ sau:

Như đã trình bày các thông tin trong file đính kèm, em có trên 1 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự. Trong thời gian làm việc em đã hỗ trợ thành công nhiều ứng viên, đảm bảo tốt chỉ tiêu. Đồng thời cũng chủ động xây dựng và phát triển các kênh tuyển dụng, Hiện tại các kênh này đang có một nguồn ứng viên ổn định. Và em tin rằng với những kinh nghiệm và kỹ năng đó em có thể hoàn thành tốt công việc được giao.

– Cuối mail bạn đừng quên dành lời cảm ơn tới nhà tuyển dụng và viết một lời ngỏ tinh tế cho một buổi phỏng vấn tiếp theo nhé. Ví dụ: 

Cảm ơn anh chị đã dành thời gian đọc và trả lời email của em. Em rất mong được gặp anh chị trong một buổi phỏng vấn gần nhất để em có thể trình bày rõ hơn về kinh nghiệm của bản thân cũng như tìm hiểu sâu hơn về công việc của vị trí chuyên viên tuyển dụng tại công ty.

– Cuối cùng đừng quên để lại thông tin liên hệ của bạn để nhà tuyển dụng có thể liên hệ. Ví dụ:

Nguyễn Hồng Nhung

Điện thoại: 0943 123 445

Skype: hongnhung

Email: nguyenhongnhung@gmail.com

Có thể tùy theo mỗi người, tùy theo mỗi vị trí ứng tuyển và tùy vào mối quan hệ của bạn với nhà tuyển dụng mà bạn sẽ viết mail xin việc cho phù hợp. Nhưng hãy hạn chế việc mắc những lỗi không đáng có bạn nhé. Hãy nghiêm túc để nắm bắt cơ hội việc làm nhanh chóng.

Chúc các bạn luôn thành công!

Huyền Trang – Vncareer.com.vn